Cái kết buồn của đế chế ô tô Đức: Một thời là huyền thoại không đối thủ tại Trung Quốc, nay phải cạnh tranh với chính ‘anh em ruột’ để tồn tại, vì đâu nên nỗi?

Từng thống trị thị trường ô tô Trung Quốc, hãng xe “khủng long” của Đức nay thất thế, phải “ngậm ngùi” cạnh tranh với chính “anh em” của mình.

Khi tập đoàn ô tô hàng đầu của Đức Volkswagen mở nhà máy đầu tiên ở Trung Quốc cách đây 4 thập kỷ, hầu như không có sự cạnh tranh nào. Lúc ấy, những chiếc xe Volkswagen Santana có thiết kế dựa theo dòng xe Passat đã nhanh chóng trở thành phương tiện di chuyển được nhiều giám đốc doanh nghiệp, quan chức và tầng lớp trung lưu ưa chuộng.

Hãng xe Đức này nhanh chóng trở thành thương hiệu hàng đầu tại đất nước tỷ dân. Trong một số năm, thị trường tại đây còn chiếm gần 50% doanh thu toàn cầu của Volkswagen (VW).

Tương tự các thương hiệu nước ngoài, Volkswagen được yêu cầu đăng ký đối tác liên doanh để hợp tác, chuyển giao thiết kế, kỹ thuật và vận hành sản xuất tại Trung Quốc. Hiện tại, thương hiệu này có 3 liên doanh tại Thượng Hải, Cát Lâm và An Huy.

Thực tế, các nhà sản xuất ô tô nội địa của Trung Quốc đang kiểm soát một nửa thị trường, tăng từ 25% vào năm 2008. Doanh số của VW đã giảm hơn 10% trong năm nay, sau khi giảm từ 4,2 triệu xe vào năm 2019 xuống còn 3,2 triệu vào năm 2022.

Oliver Blume, giám đốc điều hành của VW, cho biết: “Tiến bộ công nghệ của Trung Quốc thực sự nổi bật. Đây là một thách thức lớn”.

Sự thống trị của các thương hiệu ô tô nội địa Trung đang tăng mạnh do các phương tiện chạy bằng pin phát triển. Trong đó, xe điện và xe hybrid đang trên đà chiếm khoảng 40% lượng xe bán ra của Trung Quốc. Điều này đem đến lợi ích cho BYD - nhà sản xuất xe điện lớn nhất tại nước này.

Trong quý đầu tiên, thương hiệu đã vượt qua VW về doanh số bán xe con. Lợi nhuận của BYD cũng đã tăng hơn gấp 5 lần vào năm ngoái, lên 2,4 tỷ USD. Công ty cũng đang trên đường trở thành thương hiệu bán ra số xe hàng đầu Trung Quốc vào tháng 12, chấm dứt hai thập kỷ đứng đầu của VW.

Oliver Blume sẽ đến Triển lãm Công nghiệp Ô tô quốc tế Thượng Hải 2023 - khai mạc vào ngày 18/4. Đây là chuyến đi thứ 3 của ông tới Trung Quốc kể từ khi tiếp quản VW.

Tại triển lãm, nhà sản xuất ô tô của Đức cho biết họ sẽ trưng bày 20 xe điện thuộc các dòng xe khác nhau của mình, đồng thời bày tỏ nỗ lực hợp tác cũng như thiện chí tạo ra những chiếc xe phù hợp với thị trường Trung Quốc.

Lần này, ngôi sao trong dòng sản phẩm của VW được ra mắt tại triển lãm sẽ là ID.7 - chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện, rộng rãi và được cho là mặt hàng chủ lực của dòng sản phẩm ID.

Ngoài ra thương hiệu con Porsche AG cũng sẽ giới thiệu 1 siêu phẩm Cayenne có động cơ đốt trong, còn phiên bản thuần 2 động cơ điện và có hệ dẫn động bốn bánh tiêu chuẩn dự kiến ra mắt vào năm 2026.

Nhờ chính quyền hỗ trợ, các thương hiệu nội địa BYD, Nio, Geely, cũng như các công ty như CATL (Contemporary Amperex Technology Co. Ltd - nhà sản xuất pin EV lớn nhất thế giới) và Ningbo Tuopu Group - công ty sản xuất linh kiện cho Tesla đã phát triển không ngừng.

Sự cạnh tranh khốc liệt trong làng ô tô điện Trung Quốc

Ngày nay, VW cảm thấy mình đang phải cạnh tranh với cả chi nhánh liên doanh của chính mình. Ví dụ liên doanh SAIC Motor Corp đã hợp tác với tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holdings Ltd để thành lập IM Motor, chuyên về xe điện.

Phía công ty này cho biết họ đã có thể đưa mẫu xe đầu tiên của mình - chiếc SUV L7 ra thị trường trong vòng chưa đầy hai năm, chỉ bằng một nửa thời gian mà VW mất để bắt đầu sản xuất chiếc ID.3 điện của mình.

“Chúng tôi phải trở nên nhanh hơn, thị trường đang đòi hỏi tốc độ”, Ralf Brandstaetter, Giám đốc điều hành của VW tại Trung Quốc cho biết.

Đội ngũ kỹ sư phần mềm của Trung Quốc ngày càng tăng khiến các thương hiệu nội địa vươn lên dẫn trước VW trong các công nghệ mới. Ô tô điện của Xpeng có tính năng lái tự động, được hãng cho là tốt hơn Tesla.

Hay 1 số dòng xe như SUV, sedan của Nio có trợ lý ảo NOMI. Nó có thể vẫy tay, nháy mắt và tạo nhiều biểu cảm hài hước - hỗ trợ giải trí cho trẻ em. Đồng thời, NOMI còn có thể điều chỉnh nhiệt độ xe hoặc mở cửa sổ thông qua khẩu lệnh.

Yang, một người dân Trung Quốc cho biết cô ấy có thể chuyển sang xe điện và đang nghiêng về một thương hiệu nội địa vì chúng cung cấp các tính năng lái tự động vượt trội.

Có thể nói, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã cùng nhau hỗ trợ cho sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động sản xuất ô tô. Kể từ năm 2021, các công ty đã đầu tư hơn 19 tỷ USD vào các công nghệ liên quan đến ô tô. Huawei Technologies và Baidu cũng đã đầu tư để nghiên cứu ô tô tự lái. Xiaomi Corp cũng đang phát triển dòng ô tô của riêng mình và dự kiến sản xuất vào năm 2024.

“Đòn phản công” của Volkswagen

VW đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần năng suất sản xuất xe điện tại Trung Quốc, lên 1 triệu xe mỗi năm vào giữa thập kỷ này. Công ty cho biết họ cũng đang có kế hoạch tung ra thêm khoảng 6 mẫu xe điện nữa vào năm 2025 và dự kiến sẽ có hơn 30 mẫu vào cuối thập kỷ.

VW đang phát triển công nghệ lái xe tự động với một công ty ở Bắc Kinh có tên là Horizon Robotics Technology R&D Co. Họ sẽ đầu tư 2,4 tỷ euro (tương đương 2,6 tỷ USD) vào một liên doanh với Horizon để sản xuất chất bán dẫn.

Jochen Siebert, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn JSC Automotive cho biết, VW sẽ cần phải định hướng lại các hoạt động sản xuất xe điện của mình tại Trung Quốc bằng cách sản xuất các mẫu xe dễ thu hút và tạo được sự phổ biến diện rộng. Điều này chưa bao giờ là dễ dàng và nó trở nên khó khăn hơn khi các đối thủ nội địa Trung ngày càng lớn mạnh và chế tạo những chiếc xe tiên tiến.

Tuy vậy, với 1 thương hiệu lớn như Volkswagen, điều này dự kiến hoàn toàn khả thi. “Trước đây, Volkswagen đã trải qua thời kỳ khó khăn. Vì vậy, chắc chắn họ biết cách thoát ra khỏi nó”, ông Siebert cho biết thêm.

Nguồn CafeF

129

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT