Cuộc sàng lọc lớn của thị trường phim Việt

Thị trường phim Việt đang ngày càng cho thấy độ cạnh tranh khốc liệt khi chỉ có vài phim thắng đậm, đa số là phim lỗ nặng về doanh thu. Tình cảnh này dẫn đến một sự thay đổi lớn trong sản xuất phim Việt hiện nay khi đang có một cuộc sàng lọc mạnh mẽ trong việc chọn lựa dự án đầu tư.

PHÂN HÓA LỚN VỀ DOANH THU

Hai phim Việt chiếu rạp gần đây là Khi ta hai lăm của đạo diễn Luk Vân, chiếu đầu tháng 3 năm nay với diễn xuất của Midu, Lê Dương Bảo Lâm, Lãnh Thanh, Phú Thịnh… chỉ đạt doanh thu 3 tỉ đồng; Biệt đội rất ổn của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp với dàn diễn viên Hoàng Oanh, Lê Khánh, Hứa Vĩ Văn, Quang Tuấn, Võ Tấn Phát, Ngọc Phước… chiếu hồi đầu tháng 4 có tổng tiền bán vé là 10 tỉ đồng. Trong khi đó, Nhà bà Nữ của Trấn Thành chiếu vào dịp Tết Nguyên đán thu được 475 tỉ đồng; Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của Lý Hải chiếu dịp lễ 30.4 - 1.5 hiện đạt 273 tỉ đồng.

Sự thất bại của nhiều phim Việt trước đó nữa như Duyên ma, Cù lao xác sống, Virus cuồng loạn… và thành công bất ngờ của Nhà bà Nữ, Lật mặt 6 đã cho thấy xu hướng khán giả hiện tại không chọn xem những phim kém chất lượng, mức độ đầu tư thấp về mọi mặt. Thay vào đó, khán giả sẽ chú ý đến những phim có kinh phí lớn, ê kíp đoàn phim có tên tuổi, được truyền thông bài bản và đặc biệt dịp phát hành phim phải là "thời điểm vàng" để kéo được người xem đến rạp. Điều này cũng đang gây khó cho giới sản xuất khi không thể kêu gọi nhà đầu tư nếu dự án nhỏ hoặc kém tên tuổi.

Nhiều nhà làm phim Việt chia sẻ, trước đây việc kêu gọi vốn cho phim Việt đã khó thì nay, sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế chung khó khăn, việc tìm nguồn vốn sản xuất phim lại càng gian nan hơn. Theo khảo sát, kinh phí để một dự án điện ảnh Việt ra đời hiện nay thường dao động ở mức từ khoảng 20 tỉ đến 70 tỉ đồng.

Diễn viên, nhà sản xuất phim Trương Ngọc Ánh cho hay: "Nhà đầu tư cũng có cái khó riêng của họ, bởi khi nhìn vào một dự án không khả thi hút khách thì sẽ không thể bỏ tiền góp vốn. Nhiều phim Việt bị chê là thảm họa về mặt chất lượng và thua lỗ nặng đã phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư cũng như chính khán giả yêu điện ảnh".

Thực tế cho thấy, người xem đang cân nhắc kỹ hơn khi mua vé thưởng thức một bộ phim, nhất là phim Việt. Rõ ràng họ đang ngày càng có nhiều sự lựa chọn để quyết định chi trả cho các bộ phim Việt xứng đáng, trong lúc phim Hollywood tràn ngập phòng vé, cùng sự ra đời và cạnh tranh của nhiều nền tảng phim trực tuyến phát sóng phong phú đủ loại phim mới hiện nay.

PHIM VIỆT ÍT HƠN, CHẤT LƯỢNG SẼ TỐT HƠN?

Tình trạng thiếu hụt phim Việt ra rạp đang là vấn đề trăn trở của các nhà phát hành lẫn giới làm phim hiện nay, bởi sau Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Con Nhót mót chồng hồi tháng 5, rạp Việt đã không có phim Việt nào chiếu tiếp (đến cuối tháng 7 này mới có phim Fanti của đạo diễn Việt kiều Andy Nguyễn ra mắt). Tính riêng 6 tháng đầu năm, thị trường mới có 10 phim điện ảnh Việt ra rạp (trong đó có 2 phim tài liệu). Đến cuối năm nay, tổng số phim Việt dự kiến ra rạp hiện mới có 15 phim, chưa bằng 1/2 so với năm 2022 và cũng chỉ tương đương thời điểm rạp nhiều lần phải đóng cửa vì dịch năm 2021 (các năm khác thì số lượng phim Việt khoảng 35 - 40 phim).

Đạo diễn, nhà sản xuất phim Hằng Trịnh cho biết: "Các nhà đầu tư sản xuất phim trong nước đang khá rụt rè, ngần ngại bỏ ra số tiền lớn và phân vân có nên đầu tư cho điện ảnh nữa hay không vì nhiều rủi ro, khiến không nhiều phim kêu gọi được kinh phí sản xuất. Các nhà đầu tư cẩn trọng hơn trong việc nghiên cứu thị trường, gu khán giả để tính toán tầm mức đầu tư phù hợp vào các dự án phim mới, và băn khoăn cả việc liệu có được chọn ngày phát hành tốt để đảm bảo doanh thu phim hay không".

Hiện tại, nhiều dự án phim đã bước vào khâu tiền kỳ, nhưng "án binh bất động" chưa sản xuất tiếp vì gặp khó ở khâu phải đảm bảo đủ kinh phí hoàn thành, như Quỳnh hoa nhất dạ, Trưng Vương… Bên cạnh đó, các nhà sản xuất phim với quy mô vừa và nhỏ, ít nguồn lực cũng chia sẻ khó lòng tìm đủ vốn đầu tư để triển khai thực hiện dự án phim của họ.

Sự thay đổi vô cùng lớn ở hậu trường giới sản xuất, làm phim Việt hiện nay chắc chắn sẽ khiến số lượng phim Việt sắp tới còn giảm sâu, nhưng chính cuộc "sàng lọc" gay gắt này sẽ giúp chất lượng phim Việt được thực hiện khi ra rạp sẽ tốt hơn.

Nhà sản xuất Hoàng Quân nói: "Trong bối cảnh số lượng phim giảm xuống thì chất lượng các tác phẩm bắt buộc phải nâng lên. Thị hiếu xem phim của khán giả đòi hỏi đạo diễn, nhà sản xuất tập trung đầu tư làm nội dung, phát triển kịch bản, thực hiện đa dạng các thể loại và phải sáng tạo hơn".

Việc lấy lại niềm tin từ khán giả bằng những tác phẩm chất lượng mang ý nghĩa tiên quyết cho điện ảnh Việt thời điểm này. Các nhà làm phim phải hiểu chất lượng phim là yếu tố được đặt lên hàng đầu, dù số lượng phim Việt sẽ ít hơn, nhưng thà ít mà hay, còn hơn ra mắt nhiều mà chỉ toàn phim kém, sẽ khiến khán giả ngày càng nản lòng với phim Việt như đã từng.

Nguồn Thanh niên

 

 

 

239

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT