Doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến giữ thị phần

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt để giữ thị phần ngay trên sân nhà. Nếu không có chiến lược sản xuất, kinh doanh, tiếp thị phù hợp thì có thể nhiều DN Việt sẽ hụt hơi ngay tại thị trường nội địa.

Người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn thì yếu tố về chất lượng, giá cả, mẫu mã, độ phủ của thương hiệu, mức độ minh bạch của sản phẩm trong mắt người tiêu dùng, các tiêu chí về bảo vệ môi trường xanh, sạch, những giá trị riêng về văn hóa, nhân văn… đóng vai trò quyết định độ thành bại của sản phẩm trên kệ hàng.

Củng cố nội lực để cạnh tranh

Trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, có mặt rộng khắp trên các gian hàng bán lẻ truyền thống lẫn hiện đại và ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.

Khi bước vào “sân chơi” hội nhập, sự góp mặt của các thương hiệu, hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam làm thị trường hàng hóa trong nước phong phú, chất lượng và giá thành cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc các DN trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN địa phương sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà.

Do đó, để DN Việt Nam có thể tồn tại và phát triển trong sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, thì việc củng cố, nâng cao nội lực nhằm chuẩn hóa sản phẩm phù hợp với các yêu cầu, tiêu chí chọn lựa của người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết.

Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (tỉnh Tây Ninh) Đặng Khánh Duy chia sẻ, sản phẩm chủ lực của công ty là các loại bánh tráng. Công ty đã lựa chọn đi theo hướng ngược lại, đó là phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu, chứng chỉ quốc tế trước khi nhận được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã ngày càng mở rộng, phủ sóng ở thị trường nội địa và hướng tới phát triển thêm các thị trường xuất khẩu.

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu - ABC Bakery (TP.HCM) Kao Siêu Lực đánh giá, giai đoạn trước đây, khi người bán ít, người mua nhiều nên cạnh tranh không nhiều. Còn bây giờ thì khác, cạnh tranh ngày càng quyết liệt với thế mạnh thuộc về những DN đầu tư nhiều vào công nghệ. Do đó, công ty đã đầu tư nhiều cho chế biến sâu để phục vụ đa dạng nhu cầu và xu hướng mới của người tiêu dùng, giữ gìn thương hiệu và chất lượng sản phẩm xứng tầm hàng Việt chất lượng cao.

“Khi có sản phẩm tốt thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ biết đến thương hiệu của mình. Lúc đó, điều quan trọng là việc xây dựng và giữ vững thương hiệu” - ông Kao Siêu Lực nhấn mạnh.

“Bắt sóng” thị hiếu người tiêu dùng

Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN Việt sẽ không thể “giậm chân tại chỗ” mà cần chủ động thay đổi hướng tiếp cận thị trường, thay đổi tư duy về quản trị, tích cực đầu tư cho con người, công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp và phong phú, giá thành hợp lý và dịch vụ sau bán hàng tốt. Đó là chìa khóa để chiến thắng, giữ và nâng cao thị phần ngay trên sân nhà.

Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà còn các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ, hay công dụng hoặc tính năng sản phẩm, chứng nhận chất lượng… Đây là các yếu tố rất được người tiêu dùng quan tâm, đặc biệt đối với sản phẩm nhóm ngành thực phẩm, đồ uống.

Ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách điều tra khảo sát cuộc bình chọn Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, kết quả khảo sát cho thấy, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế 60% do những hấp lực về chất lượng, giá cả, đặc biệt là thuận tiện, sự thân thiện của người bán. Tuy nhiên, ở các đô thị vẫn có xu hướng khách hàng chuyển dịch từ chợ truyền thống, các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) Nguyễn Đức Tùng cho hay: “Công ty chủ động đa dạng các kênh tiếp thị để phát triển, mở rộng thị trường. Trong đó, phát triển các kênh tiếp thị ở các siêu thị, mở rộng kết nối với các nhà phân phối, các trạm dừng chân”.

Đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cho biết, hàng Việt ngày càng có sự thích nghi với nhu cầu thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Các DN trong nước cần tiếp tục chú trọng về chất lượng, sự tiện ích của sản phẩm, nâng cao tính thân thiện, an toàn cho sản phẩm…

Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên cho hay, các DN trong nước ngày càng chú trọng hơn đến thông tin minh bạch cho sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng. Trên thực tế, hiện nay, nhiều sản phẩm Việt hiện có chất lượng, mẫu mã gần như tương đương với các sản phẩm ngoại…

Nguồn Báo Đồng Nai

 

 

116

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT