Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài: Kiến nghị cơ chế đặc thù để kết nối qua Campuchia

Sớm hoàn thành dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài vào năm 2027 để đồng bộ với tiến độ dự án cao tốc Phnôm Pênh - Bavet bên phía Campuchia đang triển khai. Để làm được như vậy, dự án cao tốc phía Việt Nam cần một cơ chế đặc thù…

Ban quản lý Dự án Đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) vừa có đề xuất Ủy ban nhân dân TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cao tốc nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có chiều dài hơn 50 km, nối TP.HCM đi Tây Ninh đến của khẩu quốc tế Mộc Bài kết nối Campuchia qua tuyến cao tốc Phnôm Pênh – Bavet cũng đang triển khai.

Dự án đi qua địa phận TP.HCM dài 23,7 km và đoạn qua Tây Ninh dài 26,3 km, bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, tuyến đi song song quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài.

Cụ thể, dự án bắt đầu từ đường Vành đai 3 Tp.HCM chạy song song với đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng (Tây Ninh), đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 22, kết nối với cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh - Campuchia).

Về vốn cho dự án, TCIP cho biết kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng, chiếm 29% tổng phần vốn nhà nước tham gia dự án; chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng của hai địa phương nhằm bảo đảm giải ngân trong năm 2025, trong đó Tây Ninh 1.532 tỷ đồng và TP.HCM 1.368 tỷ đồng.

Về triển khai dự án, TCIP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP.HCM và tỉnh Tây Ninh triển khai đồng thời một số công việc về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đồng thời xác định các bãi đỗ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

TCIP cũng kiến nghị giao Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án thành phần 1 dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.

Ở giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng quy mô 4 làn xe theo hình thức BOT với tổng vốn khoảng 16.729 tỷ đồng (gồm lãi vay trong thời gian xây dựng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 7.433 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 18 năm 01 tháng.

TCIP cũng kiến nghị kiến nghị Bộ Quốc phòng khẩn trương có ý kiến thống nhất về phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn tránh đất quốc phòng ở địa bàn huyện Củ Chi; kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bố trí nguồn vốn trung ương hỗ trợ hai địa phương.

Sau khi hình thành và đi vào khai thác, đây sẽ là tuyến xuyên Á quan trọng, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đầu mối hàng không và cảng biển quốc tế, rút ngắn khoảng cách với nước bạn Campuchia…

Một tổ công tác liên ngành do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, cùng các Bộ Công An, Quốc phòng, Ngoại giao và các địa phương liên quan, nhằm phối hợp với phía Campuchia để hai bên bàn bạc, thống nhất các điểm kết nối.

Được biết, phía nước bạn Campuchia cũng đang triển khai dự án cao tốc Phnôm Pênh – Bavet (giáp với tỉnh Tây Ninh) với quy mô  6 làn xe, tốc độ 120 km/h. Vì vậy, phía Việt Nam cũng sẽ triển khai dự án với quy mô tương tự để kết nối đồng bộ liên tuyến xuyên quốc gia.

Nguồn VnEconomy

99

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT