Hướng tới thanh toán không tiền mặt xuyên quốc gia

NAPAS đã hợp tác với Thái Lan thanh toán qua mã QR, năm nay có thể thêm Campuchia và sẽ tiếp tục mở rộng, để người Việt có thể thanh toán không tiền mặt ở nước ngoài.

Ngày 26-5, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt năm 2023.

Nhìn lại 5 năm qua, có thể thấy thanh toán không tiền mặt đã tiến một bước rất dài, từ chỗ kêu gọi người dân "thử một lần thanh toán không tiền mặt", đến nay cà thẻ, quét mã, chuyển khoản... đã thành thói quen.

Tăng trưởng ấn tượng

Ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết chủ đề của Ngày không tiền mặt năm nay là "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh" nhằm hưởng ứng năm chuyển đổi số, kết nối dữ liệu của Chính phủ đề ra.

Một trong những hoạt động chính là hội thảo về chính sách thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. "Chúng tôi muốn giới thiệu cho người dân TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung các hoạt động thanh toán khác nhau mà không phải ai cũng hiểu hết", ông Toàn nói.

Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cho biết nhìn lại bốn năm qua, chương trình Ngày không tiền mặt do Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức đã truyền tải thông điệp tích cực để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong ba tháng đầu năm 2023, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,5% về giá trị. Số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,7% về số lượng và tăng 18,5% về giá trị.

Đáng chú ý đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ rút tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt. Số lượng giao dịch qua POS tăng 37,5%, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,3%. Đến cuối tháng 3, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và 430.625 máy POS, tăng tương ứng 3,8% và 26,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Một điểm đáng chú ý là những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)... đã được các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật. Qua đó góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt đến với người dân và doanh nghiệp.

Thời gian tới sẽ có thêm nhiều bước đột phá khi khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện. Tới đây mạng lưới đại lý chấp nhận thanh toán không tiền mặt sẽ vươn tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Thanh toán không tiền mặt xuyên biên giới

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đăng Hùng, phó tổng giám đốc NAPAS, cho biết hiện NAPAS đã hợp tác với Thái Lan thanh toán qua mã QR. Người Việt qua Thái Lan du lịch đã có thể quét mã VietQR để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thanh toán của các ngân hàng liên kết.

 

Năm nay có thể sẽ mở rộng hợp tác thêm với Campuchia. Mục tiêu của NAPAS là hoạt động thanh toán không tiền mặt sẽ không chỉ diễn ra trong Việt Nam mà còn giúp người dân Việt Nam có thể thanh toán ở nước ngoài dễ dàng.

"Hiện nay khi người Việt ra nước ngoài mang một lượng tiền mặt lớn thì rất bất tiện trong việc cất giữ cũng như bị an ninh kiểm tra. Do đó, chúng tôi đang thúc đẩy các hợp tác với các nước khác, đặc biệt là ở Đông Nam Á, để người Việt Nam có thể cà thẻ NAPAS hoặc thanh toán qua mã QR dễ dàng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam", ông Hùng nói.

Đồng thời, ông cũng cho biết thanh toán qua mã QR đang phát triển rất mạnh, đặc biệt trong năm 2022 có thêm hai nhà mạng di động lớn nhất Việt Nam là VNPT và Viettel tham gia vào mạng lưới thanh toán mã QR của NAPAS. Đã có khoảng 26 triệu lượt người dân sử dụng thanh toán qua mã QR. Thời gian tới thanh toán qua mã QR chắc chắn sẽ phát triển rộng hơn nữa.

Nâng cao kỹ năng tài chính cho người trẻ

Bà Kim Lan Anh, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), cho biết ngành ngân hàng đang hướng tới là toàn bộ người dân, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhóm người ít sử dụng, chưa sử dụng các dịch vụ tài chính, tập trung hơn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc các đối tượng là phụ nữ.

Nhóm người dùng mà Ngân hàng Nhà nước cũng dành nhiều quan tâm trong kế hoạch giáo dục tài chính là giới trẻ. "Người trẻ Việt Nam là đối tượng mà Ngân hàng Nhà nước đang muốn hướng đến để tập trung nâng cao hiểu biết, có kỹ năng tài chính tốt. Nhìn qua các nước trong khu vực, gần nhất là Singapore, giới trẻ họ rất am hiểu kỹ năng về tài chính. Điều đó rất tốt vì nếu hiểu về quản lý tài chính, quản lý chi tiêu thì thị trường tài chính sẽ rất phát triển", bà Lan Anh nói thêm.

Để thực hiện các mục tiêu trên, ngoài kênh tuyên truyền chính thức trên báo chí, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại và các đơn vị cung cấp các dịch vụ tài chính thường xuyên có thông tin, đưa ra cảnh báo làm sao ngoài tiêu tiền, người sử dụng dịch vụ hiểu về tài chính thông minh.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết trong mục tiêu thời gian tới, cơ quan này sẽ hướng tới cung cấp cho người dân những thông điệp dễ ghi nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện để ai cũng có thể xây dựng cho bản thân kỹ năng tài chính thông minh.

Nguồn Tuổi trẻ

 

 

118

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT