Khách sạn 30 năm tuổi ở trung tâm TP.HCM dừng hoạt động

Đây là khách sạn liên doanh đầu tiên giữa Việt Nam và Australia được khai trương vào năm 1991.

Theo ghi nhận của Zing, khách sạn 4 sao Norfolk ở số 117 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM đã "cửa đóng then cài", ngừng mọi hoạt động kinh doanh. Bên trong, các đồ đạc như quầy bar, bàn ghế... vẫn được sắp xếp gọn gàng nhưng không có một bóng người. Một người dân gần đây cho biết khách sạn đã đóng cửa hơn một năm qua.

Chia sẻ với Zing, lãnh đạo Norfolk Group, cho biết khách sạn Norfolk đã hết hợp đồng thuê 30 năm và không có ý định tái ký nên quyết định đóng cửa. Vị giám đốc chia sẻ thêm kết quả kinh doanh hậu đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến quyết định này.

Hiện, Norfolk Maison (Lý Tự Trọng, quận 1) vẫn hoạt động bình thường và chủ yếu cung cấp căn hộ dịch vụ ngắn hạn và dài hạn. Vị đại diện cho biết nhiều khách quen của khách sạn Norfolk sau khi biết thông tin đã chuyển qua đặt phòng tại chi nhánh còn lại.

Khách sạn này tọa lạc ở vị trí đắc địa ngay gần phố đi bộ Nguyễn Huệ, UBND TP.HCM, nên từng là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Trên trang web chính thức, Norfork thông báo sau 30 năm, khách sạn này sẽ khép lại hành trình phục vụ khách hàng.

Đây là một khách sạn thuộc Norfolk Group, tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển và quản lý các dự án bất động sản ở Việt Nam và Australia, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1990. Hiện tập đoàn này còn các dự án căn hộ dịch vụ cao cấp, cao ốc văn phòng và nghỉ dưỡng, trong đó có Six Senses Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Khách sạn Norfolk được chính thức khai trương bởi Bộ trưởng Thương mại và Phát triển hải ngoại Australia Neal Blewett vào ngày 21/11/1991. Đây cũng là khách sạn liên doanh đầu tiên giữa Việt Nam và Australia.

Năm 1990 là thời điểm khởi đầu giai đoạn đổi mới của ngành du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam khi đó chỉ đạt khoảng 250.000 lượt, khách nội địa đạt 1 triệu lượt. Cả nước chỉ có 350 cơ sở lưu trú với 16.700 buồng phòng và 4 công ty lữ hành.

Có thể nói, Norfolk là một trong những khách sạn đầu tiên ở Việt Nam trong giai đoạn ngành du lịch chuyển mình với những bước đột phá quan trọng. Trước khi đóng cửa, nơi đây có 104 phòng khách sạn với những dịch vụ tiện ích khác như quầy bar, phòng gym, nhà hàng...

Thời gian gần đây, không chỉ Norfolk mà nhiều khách sạn khác ở trung tâm TP.HCM cũng đóng cửa thời gian dài và ngừng hẳn hoạt động kinh doanh. Không ít khách sạn trên "đất vàng" như đường Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng... đều treo biển sang nhượng đã nhiều tháng và dần xuống cấp theo thời gian.

Dữ liệu của Nhà Tốt cũng ghi nhận lượng tin đăng rao bán khách sạn bắt đầu tăng trưởng từ quý III/2022. Nguyên nhân chính, theo nền tảng này, là tình hình kinh doanh ảm đạm của ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng, trong đó có sự vắng bóng du khách quốc tế.

Theo trang VisaGuide.World, tỷ lệ phục hồi du lịch của Việt Nam hiện chỉ đạt 18,1%, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều đạt tỷ lệ 26-31%. Trong năm 2022, du khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,5 triệu lượt khách - thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu mà ngành du lịch đặt ra là 5 triệu lượt khách.

Năm 2022 được dự đoán là một năm hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn dịch Covid-19 năm 2021, tuy nhiên thực tế tình hình kinh tế khó khăn đã khiến cho nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục ở mức thấp.

Bốn tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng hơn 1.100% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, đây vẫn là con số thấp so với giai đoạn năm 2019, khi Covid-19 chưa xuất hiện.

Nguồn Zing

 

 

120

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT