Kodak - cựu vương máy ảnh thất bại vì kỷ nguyên số

Kodak là công ty đầu tiên tạo ra camera kỹ thuật số, nhưng việc không nhận ra tiềm năng của sản phẩm này đã khiến họ tụt lại phía sau.

Tháng 1/2012, hãng sản xuất máy ảnh biểu tượng của Mỹ - Eastman Kodak nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại một tòa án ở New York. Họ cho biết đã được cấp hạn mức tín dụng 950 triệu USD để duy trì hoạt động trong 18 tháng.

Động thái của Kodak không gây bất ngờ. Từ trước đó, họ đã trở thành câu chuyện cảnh báo với bất kỳ ai muốn gia nhập ngành này. Sinh viên học thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại các đại học hàng đầu thế giới năm nào cũng phải nghiên cứu chi tiết các sai lầm chiến lược đã khiến Kodak trượt dài trong kỷ nguyên máy ảnh số.

Không như các công ty cùng thời là IBM và Xerox - tìm được nguồn doanh thu mới khi ngành kinh doanh ban đầu xuống dốc, Kodak bị chỉ trích vì từ bỏ các dự án mới quá nhanh, đầu tư quá dàn trải vào mảng kỹ thuật số và sự tự mãn khiến họ không nhìn thấy các tiến bộ công nghệ đang diễn ra.

"Mầm mống của vấn đề đã xuất hiện từ vài thập kỷ trước. Kodak quá tập trung vào thành phố mà họ ra đời, chưa thực sự hiện diện ở những nơi đang phát triển công nghệ mới trên thế giới. Giống như là họ đang sống trong một bảo tàng vậy", Rosabeth Kanter – Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard cho biết.

Năm 1888, George Eastman phát minh ra loại máy chụp có thể lưu ảnh trên các tấm kính lớn. Chưa hài lòng với đột phá này, ông tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời phim cuộn và sau đó là máy ảnh Brownie. Có giá 1 USD, máy ảnh này được định hướng dành cho tất cả mọi người. Với slogan "Bạn chỉ cần bấm máy, chúng tôi sẽ làm việc còn lại", Kodak bán được khoảng 25 triệu máy Brownie, tính đến thập niên 40, BBC cho biết.

Năm 1935, họ ra đời phim màu Kodachrome. Kodak nhanh chóng trở thành cái tên nổi tiếng với mọi gia đình, khi giúp người Mỹ ghi lại những khoảng khắc quan trọng nhất trong cuộc đời. Cụm từ "Kodak moment" (khoảng khắc Kodak) thậm chí cũng được tạo ra để chỉ những khoảnh khắc khó quên.

Năm 1981, doanh thu của Kodak chạm mốc 10 tỷ USD. Ở thời kỳ đỉnh cao, công ty này có vị thế tương đương Google hay Apple hiện tại, với 145.000 nhân viên trên toàn cầu.

Thập niên 60, Kodak bắt đầu nghiên cứu tiềm năng của máy tính và tạo ra đột phá lớn năm 1975. Khi đó, một trong các kỹ sư của họ - Steve Sasson – phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số, có kích cỡ bằng một chiếc máy nướng bánh mỳ sandwich.

Tuy nhiên, Kodak đã không nhận ra tiềm năng sản xuất hàng loạt của sản phẩm này. Họ vẫn tập trung vào phân khúc máy ảnh cao cấp cho các thị trường ngách. Bên cạnh đó, các lãnh đạo cũng lo ngại máy ảnh kỹ thuật số sẽ ăn mòn lợi nhuận mảng phim của chính họ.

"Khi George Eastman qua đời, ông ấy đã tạo ra ảnh hưởng với toàn công ty đến mức hình ảnh của Kodak luôn gắn liền với sự hoài niệm. Hoài niệm là thứ rất đáng quý, nhưng nó không giúp người ta tiến lên", Nancy West – giáo sư tại Đại học Missouri nhận định trên Reuters.

 

Trên Telegraph, Olivier Laurent – cây viết tại tạp chí nhiếp ảnh British Journal of Photography bình luận: "Kodak là công ty đầu tiên tạo ra camera kỹ thuật số. Nhưng khi đó, phần lớn lợi nhuận của họ đến từ việc bán hóa chất dùng cho việc sản xuất phim. Họ e ngại đầu tư, vì nghĩ rằng việc này sẽ ăn mòn mảng kinh doanh truyền thống của mình".

Khi Kodak nhận ra tiềm năng của máy ảnh kỹ thuật số, mảng này đã vượt xa máy ảnh phim. Các đối thủ của Kodak đã tung ra những sản phẩm rất tiên tiến. "Kodak không bao giờ quay về thời hoàng kim được nữa", Laurent nói.

Năm 1981, Sony ra mắt camera kỹ thuật số đầu tiên của hãng. Việc này đã "làm dấy lên sự lo sợ tại Kodak", theo nghiên cứu của hai giáo sư Đại học Harvard Giovanni Gavetti và Rebecca Henderson.

Dù vậy, đến năm 1991, Kodak mới sản xuất thiết bị đầu tiên cho kỷ nguyên ảnh kỹ thuật số. Nhưng đó không phải là một chiếc máy ảnh, mà là đĩa CD để lưu ảnh.

Năm 1996, họ mới ra mắt máy ảnh kỹ thuật số bỏ túi, có tên DC20. Nỗ lực lớn nhất của Kodak trong mảng này là ra đời thương hiệu máy ảnh Easyshare năm 2001. Nhưng khi đó, thị trường đã quá đông đúc với các sản phẩm từ Canon và nhiều hãng châu Á khác.

Kodak cũng từng tìm cách đa dạng hóa việc kinh doanh. Năm 1988, họ mua hãng dược phẩm Sterling Drug với giá 5,1 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này lại khiến Kodak chìm sâu trong nợ nần, với 9,3 tỷ USD năm 1993.

Năm 1994, Kodak tách riêng mảng hóa chất Eastman Chemical, với hy vọng giảm nợ. Nhưng cùng năm đó, họ vẫn phải bán Sterling. "Vấn đề của Kodak vẫn là họ không muốn thay đổi", West cho biết.

Tính đến năm 1993, Kodak đã chi 5 tỷ USD cho việc nghiên cứu ảnh kỹ thuật số, dàn trải ra 23 dự án máy scan khác nhau. Khoản đầu tư này giúp Kodak dẫn đầu thị trường máy scan, với 27% thị phần năm 1999. Tuy nhiên, con số này giảm dần, về 15% năm 2003 và 7% năm 2010, do phải chia sẻ với Canon, Nikon và nhiều cái tên khác.

Năm 2001, cứ mỗi máy ảnh kỹ thuật số bán ra, Kodak lỗ 60 USD. Nội bộ Kodak cũng xảy ra cuộc chiến giữa nhân viên mảng phim và kỹ thuật số, theo nghiên cứu của Đại học Harvard.

Đến năm 2007, Kodak nhận ra họ cần tăng nguồn lực cho mảng máy ảnh. Vì thế, họ bán mảng thiết bị y tế - sản xuất máy móc chụp X-quang cho các bệnh viện và nha sĩ. Mảng này khi đó vẫn đang có lời lớn.

Kodak bỏ túi 2,35 tỷ USD từ thương vụ này. Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra đây là một sai lầm, khi thế hệ baby boomer (sinh năm 1946 – 1964) tại Mỹ chuẩn bị nghỉ hưu, và nhu cầu chụp X-quang tăng lên. Nhưng với Kodak, logic của họ khi đó là: Không muốn chi tiền để mảng y tế trở thành công nghệ số hoàn toàn.

"Chúng tôi gọi đó là "Loài chim thích bay lùi". Vì nhìn lại phía sau bao giờ cũng thoải mái hơn là nhìn về phía trước", Dan Alef – tác giả cuốn tự truyện về George Eastman cho biết, "George Eastman thì không bao giờ nhìn về phía sau đâu. Ông ấy luôn muốn làm ra thứ tốt hơn, dù ông ấy đang làm được sản phẩm tốt nhất thị trường khi đó".

Năm 2004, cổ phiếu Kodak bị loại khỏi chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones sau hơn 70 năm. Giai đoạn 2004 – 2007, Kodak nỗ lực tái cấu trúc bằng cách đóng 13 nhà máy sản xuất phim, 130 phòng thí nghiệm ảnh và sa thải 50.000 nhân lực. Đến cuối năm 2010, hãng nghiên cứu thị trường IDC cho biết thị phần của Kodak trong mảng máy ảnh kỹ thuật số chỉ là 7%, xếp sau Canon, Sony, Nikon và nhiều cái tên khác.

Cuối tháng 9/2011, Kodak sở hữu số tài sản trị giá 5,1 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng khoản nợ hãng này phải gánh đã lên tới 6,75 tỷ USD. Họ còn phải tìm cách bán bớt bằng sáng chế để có tiền duy trì hoạt động.

Năm 2012, Antonio Perez - CEO Kodak khi đó – cho biết phá sản là bước đi cần thiết. "Hiện tại, chúng tôi phải hoàn thành việc chuyển đổi, bằng cách cải tổ cấu trúc chi phí và kiếm nguồn thu từ các tài sản sở hữu trí tuệ không cốt lõi", ông nói. Trước đó, ông còn từng gọi máy ảnh kỹ thuật số là "ngành kinh doanh kém hấp dẫn".

Giới phân tích cho rằng lẽ ra Kodak đã có thể trở thành một gã khổng lồ về truyền thông xã hội, nếu họ thuyết phục được người tiêu dùng sử dụng dịch vụ trực tuyến của chính công ty để lưu trữ, chỉnh sửa và chia sẻ ảnh. Nhưng thay vào đó, họ quá tập trung vào mảng thiết bị, và thua trong cuộc chiến trực tuyến với các mạng xã hội như Facebook.

Tháng 8/2013, Kodak được một tòa án ở New York chấp thuận kế hoạch thoát tình trạng phá sản. Theo đó, hãng cam kết bỏ hoàn toàn mảng máy ảnh, phim cuộn và dịch vụ ảnh cho người tiêu dùng để tập trung vào công nghệ in ấn cho khách hàng doanh nghiệp.

Năm 2020, Kodak còn được chính phủ Mỹ cấp khoản vay trị giá 765 triệu USD để tăng tốc sản xuất thuốc trong nước, nhằm giảm phụ thuộc vào nước ngoài.

Vài năm gần đây, doanh thu của Kodak ổn định quanh mốc 1 tỷ USD, chỉ bằng 10% thời kỳ đỉnh cao. Năm ngoái, hãng thu về 1,2 tỷ USD, với lợi nhuận 26 triệu USD. Cả hai số liệu này đều tăng nhẹ so với năm 2021.

Nguồn VnExpress

 

 

 

324

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT