Masayoshi Son và Jack Ma: Khi đường chia đôi ngả…

Nhờ khoản đầu tư vào Alibaba, Masayoshi Son được xem như bố già của giới đầu tư mạo hiểm. 20 năm trước, Chủ tịch SoftBank đã đặt cược vào chàng trai trẻ Jack Ma vì đôi mắt sáng và có tố chất lãnh đạo.

Trong một clip được cho là quay vào ngày 21/2/1999, Jack Ma đã mời 17 người bạn đến căn hộ nhỏ của mình và say sưa thuyết phục họ rằng Alibaba sẽ là thành công để đời nếu họ làm việc đủ chăm chỉ và nỗ lực. “Chúng ta sẽ cạnh tranh với Thung lũng Silicon”, Jack Ma quả quyết.

‘Khí chất’ của Jack Ma đã thuyết phục Masayoshi Son. Chủ tịch SoftBank đã đưa ra một quyết định mà đến nay được xem là ‘giai thoại’ trong giới đầu tư mạo hiểm: Rót 20 triệu USD vào một Alibaba non trẻ.

“Cậu ấy (Jack Ma) chẳng có kế hoạch kinh doanh nào cả, doanh thu là số 0 tròn trĩnh, nhân viên thì chỉ từ 35 – 40 người. Nhưng cậu ấy có đôi mắt rất mạnh mẽ, một đôi mắt sáng (strong shinning eyes). Cách cậu ấy nói chuyện, nhìn nhận sự việc cho thấy chàng trai này có sức hút và thực sự là một nhà lãnh đạo”, Masayoshi Son nhớ lại trong buổi phỏng vấn với Bloomberg TV.

“Anh ấy có khả năng thuyết phục những người trẻ khác đi theo mình dù mô hình kinh doanh đó có sai lầm đi chăng nữa”, Son nói thêm.

Ván cược của Son từng giúp ông thu về khoản lợi nhuận thậm chí còn lớn hơn cả Warren Buffett, sau khi Alibaba chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2014. Kể cả khi SoftBank có chịu thiệt hại nặng nề vì WeWork, họ vẫn có thể gọi thêm vốn nhờ lượng cổ phần nắm giữ tại Alibaba.

Nhưng đó là khi Jack Ma chưa ‘vạ miệng’ để phải đi ở ẩn và môi trường lãi suất cao chưa ‘nhấn chìm’ các startup mà SoftBank rót vốn.

Đường chia đôi ngả…

Khoảng 6 năm sau khi Alibaba tiến hành IPO, mối quan hệ giữa Masayoshi Son và Jack Ma bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Hồi tháng 6/2020, Masayoshi Son bất ngờ thông báo sẽ rút khỏi hội đồng quản trị (HĐQT) Alibaba. Ở hướng ngược lại, Jack Ma cũng thông báo rời HĐQT SoftBank.

Tập đoàn đầu tư Nhật Bản cũng rục rịch thoái vốn khỏi Alibaba.

Theo Financial Times, SoftBank đã bán ra khoảng 7,2 tỉ USD cổ phiếu Alibaba trong thời gian qua. Trước đó, vào năm 2021, tập đoàn này đã bán ra lượng cổ phần Alibaba có giá trị tới 29 tỉ USD.

Từ những tài liệu của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), Financial Times cho rằng, SoftBank chỉ còn nắm giữ khoảng 3,8% cổ phần của Alibaba - thấp hơn rất nhiều so với mức 34% cổ phần mà tập đoàn của tỷ phú Masayoshi Son từng nắm giữ.

Trong 14 tháng qua, SoftBank đã bán kỳ hạn 389 triệu cổ phiếu Alibaba với mức giá trung bình chỉ 92 USD/cp – thấp hơn nhiều so với mức giá kỷ lục 317 USD/cp của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, theo dữ liệu của The Washington Service.

Lần gần nhất, SoftBank đã bán 46 triệu cổ phiếu Alibaba vào tháng 2/2023 và thu về số tiền khoảng 4,5 tỉ USD. Trước đó, tập đoàn này đã bán 30 triệu cổ phiếu Alibaba vào tháng 12/2022, thu về 2,7 tỉ USD.

Theo SoftBank, các giao dịch bán cổ phiếu Alibaba phản ánh sự chuyển dịch của tập đoàn sang “chế độ phòng thủ” để ứng phó với môi trường kinh doanh bất ổn.

Tập đoàn đầu tư Nhật Bản cho biết họ đang củng cố sự ổn định tài chính của mình bằng cách tăng tính thanh khoản từ việc huy động tiền mặt. Họ cũng cho biết thông tin về việc bán cổ phiếu Alibaba sẽ được tiết lộ khi công bố kết quả kinh doanh (cho kỳ tài chính kết thúc vào ngày 31/3) vào tháng 5 tới.

Hoạt động thoái vốn tại Alibaba của SoftBank diễn ra vào thời điểm tập đoàn này đang ráo riết thúc đẩy thương vụ IPO Arm (công ty sản xuất chip có trụ sở tại Anh) nhằm tìm cách khôi phục danh tiếng sau hàng loạt khoản đầu tư thất bại.

Theo nguồn tin của Financial Times, SoftBank đã đạt được thỏa thuận với sàn Nasdaq về việc niêm yết cổ phiếu của Arm. Masayoshi Son được cho là đã tiến hành tái cơ cấu Arm để giúp công ty này cải thiện lợi nhuận trước thềm IPO.

 

Nguồn Viettimes

231

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT