Ngân hàng vẫn khó cho vay

Nhiều doanh nghiệp không muốn vay vốn, số khác có nhu cầu lại không đủ điều kiện khiến tín dụng 6 tháng qua mới tăng 3,3%, mức thấp nhất nhiều năm.

Thông tin này được Ngân hàng Nhà nước nêu trong họp báo tổng kết kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nửa đầu năm, ngày 21/6.

Theo đó, đến 15/6, dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,3 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,36% so với cuối năm ngoái và tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Còn so với cuối tháng 4, tín dụng chảy vào nền kinh tế chỉ tăng thêm 0,3%, tương ứng gần 36.000 tỷ đồng.

Tín dụng tăng chậm, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, cầu đầu tư - tiêu dùng giảm nên cầu tín dụng cũng giảm tương ứng. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tồn kho, sản xuất bị ngưng trệ dẫn tới nhu cầu vay vốn giảm.

Ông Tú kể đã gặp các cán bộ tín dụng của những ngân hàng thương mại, hỏi tại sao khó cho vay. Chính những nhân viên này cho biết việc cho vay là chỉ tiêu kinh doanh (KPI) của họ, không hoàn thành KPI, thu nhập sẽ giảm. Vấn đề là chính khách hàng không có nhu cầu, thậm chí còn xin trả lại vốn vay.

"Nhiều doanh nghiệp nói chưa có phương án đầu tư thêm. Việc tìm gặp khách hàng, thuyết phục giữ được dư nợ lúc này còn khó", Phó thống đốc nói và cho biết dưới góc độ vĩ mô, tín dụng tăng chậm hiện nay là vấn đề trăn trở của Chính phủ, Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài khó khăn từ thị trường chung, tín dụng tăng chậm còn tới từ một số nguyên nhân khác. Trong đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn. "Khả năng cho vay và hấp thụ vốn của nền kinh tế phải đạt được điểm cân bằng, không thể cố gắng cho vay bằng mọi giá", Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận xét.

Đối với công tác điều hành lãi suất, từ tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản liên tục 4 lần với mức 0,5-2% một năm. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại hiện ở mức khoảng 5,8% một năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay bình quân tiền đồng ở mức khoảng 8,9% trên năm (giảm 1% so với cuối năm 2022).

Theo Phó thống đốc, việc giảm lãi suất điều hành và diễn biến lãi suất cho vay trên thị trường thường có độ trễ, bởi chi phí vốn đầu vào của nhiều khoản vay vẫn ở mức cao. Thời điểm lãi suất tăng mạnh, nhiều người chọn gửi tiền với kỳ hạn dài. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng các nhà băng phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua việc giảm gánh nặng chi phí vay.

"Câu chuyện trước huy động cao vẫn phải cho vay lãi suất cao là không sai, nhưng đang lúc khó khăn, các ngân hàng nên chia sẻ, lấy khoản này bù khoản khác để có thể giảm lãi suất tích cực", ông Tú nói.

Theo đánh giá của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), đa số lãi suất điều hành đã giảm về tương đương giai đoạn năm 2020, thời điểm Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ kinh tế do ảnh hưởng của Covid.

Mặc dù đây là động thái chủ động của cơ quan điều hành trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhóm phân tích cho rằng việc giảm lãi suất điều hành không phải là điều kiện đủ trong thời điểm hiện tại. "Việc cải thiện đầu ra cho doanh nghiệp cũng như triển khai thực tế của các giải pháp từ Chính phủ sẽ có nhiều tác động hơn tới mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường", báo cáo của SSI Research cho biết.

Bên cạnh đó, áp lực về tỷ giá cũng cần được cân nhắc khi lộ trình thực hiện lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa rõ ràng hay áp lực về lạm phát khi lạm phát cơ bản đang ở mức cao.

Nguồn VnExpress

 

130

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT