Sức mạnh và giới hạn của USD

Đồng bạc xanh vẫn là vua, nhưng những người muốn hạn chế nó đang tìm mọi cách để làm điều đó.

Thỉnh thoảng, nhu cầu về một đồng tiền dự trữ thay thế USD lại tăng lên và thị trường bùng nổ với những dự đoán về sự sụp đổ sắp xảy ra của đồng bạc xanh. Trong gần ba phần tư thế kỷ, USD đã thống trị thương mại, tài chính và danh mục dự trữ của các ngân hàng trung ương trên quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, lạm phát cao, địa chính trị căng thẳng và các biện pháp trừng phạt do Mỹ và các đồng minh áp đặt đối với các quốc gia như Nga gần đây đã khiến những hoài nghi về USD lần nữa trỗi dậy.

Trong lịch sử, những giai đoạn USD gây ra bất bình thường được thúc đẩy bởi sự tức giận của một nhà lãnh đạo trên thế giới đối với tiền tệ này. Năm 1965, Valéry Giscard d'Estaing, khi đó là Bộ trưởng Tài chính Pháp, đã nổi giận chống lại "đặc quyền cắt cổ" mà Mỹ có được từ đồng bạc xanh.

Lần này là Luiz Inácio Lula da Silva, Tổng thống Brazil. Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, ông kêu gọi các thị trường mới nổi giao dịch bằng đồng tiền của chính họ. Đồng thời, giá vàng tăng mạnh và tỷ lệ dự trữ toàn cầu của USD giảm đã làm dấy lên những nghi ngờ khác. Bản thân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây cũng thừa nhận việc sử dụng các biện pháp trừng phạt theo thời gian "có thể làm suy yếu quyền bá chủ " của tiền tệ Mỹ.

Tuy nhiên, sự phấn khích của những người hoài nghi vai trò của USD có thể đang quá đà. The Economist cho rằng đồng bạc xanh vẫn có một lực hấp dẫn toàn năng đối với nền kinh tế thế giới vốn không hề suy yếu về mặt vật chất, ngay cả khi Mỹ gần đây nhận thấy rằng có những trở ngại thực sự đối với việc khai thác ưu thế đồng tiền của mình.

Khoảng một phần ba đến một nửa thương mại toàn cầu được thanh toán bằng USD, một tỷ lệ tương đối ổn định trong thời gian dài. Nó tham gia vào gần 90% giao dịch ngoại hối. Tính thanh khoản của đồng bạc xanh mạnh đến mức nếu bạn muốn đổi euro lấy đồng franc Thụy Sĩ, giao dịch qua USD có thể rẻ hơn so với giao dịch trực tiếp.

Khoảng một nửa số nợ xuyên biên giới là bằng USD. Và mặc dù tỷ lệ dự trữ của đồng tiền này trong các ngân hàng trung ương đã giảm trong thời gian dài, nhưng nó vẫn chiếm khoảng 60%. Không có dấu hiệu nào cho thấy có sự thay đổi đáng kể gần đây, ngoại trừ sự thay đổi do các ngân hàng trung ương gây ra một cách máy móc khi đánh giá lại danh mục đầu tư của họ để tính đến các biến động tỷ giá hối đoái và lãi suất cao hơn ở Mỹ.

Không có loại tiền tệ nào khác có quy mô hệ sinh thái hoặc sức hấp dẫn gần với USD. Khu vực đồng euro rất mong manh và thị trường nợ công bị phân mảnh giữa các quốc gia thành viên. Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu về tài sản an toàn chừng nào nước này vừa kiểm soát chặt chẽ dòng vốn, vừa có thặng dư tài khoản vãng lai. Nghĩa là trên thực tế, nước này phải tích lũy được các quyền tài chính đối với phần còn lại của thế giới chứ không phải ngược lại. Trong khi, USD với tư cách là đồng tiền thống trị, được hưởng lợi từ các hiệu ứng mạnh. Hay có thể hiểu mọi người muốn sử dụng loại tiền mà người khác đang sử dụng.

Tuy nhiên, USD cũng có những giới hạn quyền lực của nó. Ngày càng rõ ràng là các quốc gia riêng lẻ có thể phá vỡ hệ thống thống trị của USD nếu họ thực sự muốn. Mặc dù nền kinh tế của Nga đã bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt, nhưng nó không bị tê liệt. Một phần vì 16% hàng xuất khẩu của nước này được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, tăng so với mức gần như bằng không trước xung đột Ukraine.

Jason Hollands, Giám đốc điều hành của nền tảng đầu tư Bestinvest, cho biết cái gọi là "vũ khí hóa" USD đã làm rung chuyển nhiều quốc gia chứ không chỉ ở Nga. "Các quốc gia sẵn sàng tiếp tục giao dịch thương mại với Nga, như Ấn Độ và Trung Quốc, bằng đồng rupee và nhân dân tệ, gây ra cuộc thảo luận về việc phi đôla hóa trong trật tự thương mại quốc tế", vị này nói.

Brazil và Trung Quốc hiện giao dịch với nhau bằng đồng nhân dân tệ, giúp thiết lập đồng nhân dân tệ của Trung Quốc như một đồng tiền quốc tế và thách thức đồng bạc xanh trên thị trường giao dịch hàng hóa. Việc định giá bằng USD khiến cuộc sống của các quốc gia khác trở nên khó khăn bởi vì khi đồng bạc xanh tăng giá, các mặt hàng thiết yếu như dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn.

"Việc tăng cường quan hệ kinh tế và quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nga đang nâng cao sức hấp dẫn của đồng nhân dân tệ vì nó mang lại cho họ một tỷ giá hối đoái ổn định hơn", Vijay Valecha, Giám đốc đầu tư Century Financial, nói.

Sự thay thế của Trung Quốc đối với hệ thống SWIFT đang phát triển nhanh chóng. Nước này cũng đang chuyển đổi nhiều hơn thương mại song phương sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Đây là hướng đi dễ dàng hơn việc cố gắng đưa nhân dân tệ thay thế USD trong giao dịch giữa các quốc gia khác.

Thậm chí, nhiều công ty ở phương Tây hiện sử dụng nhân dân tệ để giao dịch với Trung Quốc. Ngoài ra, các công nghệ thanh toán kỹ thuật số mới và tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể giúp việc chuyển tiền trên khắp thế giới trở nên dễ dàng hơn mà không cần đến Mỹ.

Hơn nữa, bà Yellen đã đúng khi cho rằng việc sử dụng USD để Mỹ tạo ảnh hưởng với nước khác không phải là cách để kết bạn hay giữ bạn bè. Mỹ biết điều đó và đã không áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia như Ấn Độ - nước vẫn giao thương với Nga - vì họ lo ngại phản ứng dữ dội sẽ xảy ra.

David Morrison, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Trade Nation, cho biết các dự báo về cái chết của USD đã xuất hiện ít nhất 50 năm nhưng nó vẫn chưa xảy ra. "Tuy nhiên, USD đang ở thế yếu hơn so với các động thái của Trung Quốc, Nga, Arab Saudi và Iran nhằm tránh xa việc định giá và giao dịch năng lượng bằng USD", ông nhận định.

Mặc dù việc chuyển đổi sang một hệ thống tiền tệ đa cực chưa xảy ra sớm, nhưng nó có thể xảy ra vào cuối thế kỷ này khi tỷ trọng đóng góp của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu bị thu hẹp. Một hệ thống như vậy vốn dĩ sẽ kém ổn định hơn một hệ thống tập trung vào USD. Vì vậy, việc đẩy nhanh sự thay đổi sẽ không có lợi cho cả nước Mỹ và thế giới, theo The Economist.

Nguồn VnExress

 

200

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT