Tổng cục Thống kê: Dân số Việt Nam đã vượt 100 triệu người vào tháng 4

Theo Tổng cục Thống kê, đến tháng 4, dân số Việt Nam đạt quy mô 100 triệu người. Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia đông dân nhất thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 ASEAN.

Liên quan đến việc hủy sự kiện công bố quy mô dân số Việt Nam đạt 100 triệu người, tại tọa đàm "Dữ liệu thống kê và truyền thông chính sách" sáng 19/6 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết theo tính toán, đến tháng 4, dân số Việt Nam đạt quy mô 100 triệu người.

Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có dân số cao nhất thế giới

"Tổng cục Thống kê đã trình Thủ tướng để tổ chức công bố sự kiện. Tổng cũng cũng trao đổi với các bộ ngành và được thống nhất cao", ông Tiến nói.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê sau đó, Bộ Công an đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị tạm hoãn tổ chức sự kiện này do dân số Việt Nam đã vượt 100 triệu từ cơ sở dữ liệu dân cư của ngành.

"Hai con số của Tổng cục Thống kê và Bộ Công an không chênh lệch nhau lớn. Tổng cục đã thống kê dân số sống trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam là 100 triệu người. Trong khi, dữ liệu của Bộ Công an từ mã định danh cho tất cả công dân Việt Nam, kể cả những người làm việc ở nước ngoài. Hiện, Việt Nam có khoảng 5 triệu người đang làm việc tại nước ngoài", ông Tiến nhìn nhận.

Bộ Công an đã cấp mã định danh cho khoảng 104 triệu người, trong khi con số của Tổng cục Thống kê là 100 triệu dân. "Chúng tôi đã rà soát, tính toán lại và nhận thấy khái niệm, phạm vi thu thập thông tin khác nhau", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Từ đề nghị của Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Tổng cục Thống kê phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại số liệu, tạm hoãn tổ chức sự kiện công bố.

Với con số 100 triệu người, Việt Nam lọt nhóm 15 quốc gia đông dân nhất thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 ASEAN. Việc đạt quy mô dân số 100 triệu người là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội cho nước ta nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh các nước đều coi nguồn nhân lực là lợi thế của quốc gia.

Phương pháp tính CPI phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng

Với thắc mắc về thống kê chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, chia sẻ phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo chuẩn mực quốc tế và được hầu hết quốc gia trên thế giới (áp dụng tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của các tổ chức quốc tế ban hành năm 2020).

“Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực,” bà Oanh cho biết.

Để tính CPI, Tổng cục Thống kê đã khảo sát danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân, gọi là “rổ” hàng hóa (thời kỳ 2020-2025) có 752 mặt hàng. Mỗi địa phương có mức sống và tập quán tiêu dùng khác nhau nên trừ một số mặt hàng phải thống nhất quy cách, phẩm cấp trên phạm vi cả nước trong danh mục chuẩn, những mặt hàng và dịch vụ còn lại được chọn theo đặc điểm tiêu dùng của địa phương. Trên cơ sở đó, mỗi địa phương xây dựng một mạng lưới điều tra giá riêng biệt.

Bên cạnh đó, mạng lưới điều tra giá (bao gồm các khu vực điều tra) là các chợ, trung tâm thương mại, các siêu thị bán lẻ... có hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ để tiến hành điều tra thu thập giá.

Ngoài ra, ngành thống kê cũng xác định cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm trong danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện hay còn gọi là quyền số. Hàng tháng, các địa phương cũng tổ chức thu thập giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện theo 3 kỳ.

“Hiện toàn quốc có khoảng 40.000 điểm điều tra giá với địa điểm kinh doanh ổn định, thuộc các loại hình kinh tế. Hiện nay, cơ quan thống kê đã triển khai điều tra giá tiêu dùng bằng thiết bị điện tử (CAPI) tại 63 tỉnh, thành. Từ đó, chất lượng số liệu điều tra được nâng cao đồng thời minh bạch quá trình điều tra, rút ngắn thời gian sản xuất số liệu và tiến tới hội nhập với thống kê thế giới,” bà Oanh nói.

Các phương pháp thống kê thay đổi để theo kịp tiến trình phát triển

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, trong thời gian qua, ngành thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới đông đảo đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế.

Ngành thống kê đã đẩy mạnh đổi mới cách thức thu thập thông tin thống kê, sử dụng phiếu điện tử thay thế phiếu giấy nhằm có được thông tin chính xác, kịp thời; nghiên cứu xây dựng đề án về tư liệu hóa và chuyển đổi số trong ngành; tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ của người làm công tác thống kê.

Đặc biệt, đã có nhiều chuyên gia từ các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, giám sát các cuộc điều tra, Tổng điều tra hoặc các nghiệp vụ chuyên sâu của Tổng cục Thống kê, như các chuyên gia đến từ ILO, UNFPA trong Tổng điều tra dân số và nhà ở, Điều tra Lao động việc làm; chuyên gia IMF trong Đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam, trong điều tra giá…

Với sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới nảy sinh... cũng đòi hỏi ngành thống kê phải luôn vận động, đổi mới. Các phương pháp thống kê vì thế có những thay đổi để theo kịp tiến trình phát triển của xã hội.

"Đơn cử, để triển khai những chỉ tiêu mới, chúng tôi đã thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cơ quan thống kê các nước về các chỉ tiêu thống kê như Kinh tế số, logistics, rồi sắp tới đây là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… Nhờ vậy, chất lượng thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dùng tin trong nước và quốc tế", bà Hương nói.

Nguồn Zing

 

 

 

118

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT