Tương lai nào cho những mặt bằng tiền tỷ ế ẩm ở TP.HCM?

Nhiều thương hiệu lớn đang tháo chạy khỏi những mặt bằng đắt đỏ ở khu vực trung tâm. Dù vậy, chuyên gia nhận định đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Cả trăm mặt bằng quanh chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) bị bỏ trống nhiều tháng qua, trong khi đoạn đường Hai Bà Trưng chưa đầy 3 km từ cầu Kiệu đến tượng đài Trần Hưng Đạo (quận 1) có khoảng 40 mặt bằng chưa tìm được khách thuê.

Tình trạng tương tự diễn ra với nhiều căn nhà trên đường Bùi Viện, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu... Các khách sạn, hàng quán dọc con đường Đồng Khởi giờ cũng chi chít bảng rao cho thuê và số điện thoại môi giới.

Không khí ảm đạm bao trùm nhiều tuyến đường trung tâm TP.HCM dù đại dịch Covid-19 đã đi qua.

Kế hoạch "tháo chạy" đã được chuẩn bị từ lâu

Trước đây, những nơi này là điểm dừng chân của hầu hết thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước, với giá thuê từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Cá biệt có những mặt bằng lớn hoặc ở vị trí ngã tư, vòng xoay có thể được cho thuê cả tỷ đồng.

Nhưng cũng vì vậy, những mặt bằng này trở thành những nơi đầu tiên bị đóng cửa khi các thương hiệu tìm cách cắt giảm chi phí.

Đơn cử, PhinDeli sau thời gian liên tục nhân rộng quy mô nay chỉ giữ lại 5 chi nhánh ở các quận trung tâm TP.HCM, song song với hai quán ở Lâm Đồng và Đồng Nai.

Thậm chí, chuỗi F&B đình đám từ Trung Quốc Mellower Coffee còn đóng cửa hàng còn lại cuối cùng tại tòa nhà Metropolitan (đường Đồng Khởi), đánh dấu sự rút lui khỏi thị trường Việt Nam sau 4 năm hoạt động.

Thương hiệu eDiGi cũng thông báo ngừng hoạt động cửa hàng bán lẻ ủy quyền cao cấp của Apple (APR) trên đường Công Xã Paris, ngay cạnh Bưu điện TP.HCM. Đây vốn là cửa hàng đạt cùng lúc hai chuẩn Apple Premium Reseller (APR) và Apple Service Provider (ASP) đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP Group - công ty mẹ của eDiGi - cho biết phải đóng cửa hàng này do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Giám đốc một doanh nghiệp từng đặt cửa hàng tại Metropolitan Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) cũng nhấn mạnh các thương hiệu vào đây xác định rõ là chỉ để quảng bá thương hiệu trong ngắn hạn.

Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills TP.HCM, kế hoạch rời bỏ những mặt bằng đắc địa này đã được các doanh nghiệp đưa ra từ lâu, tùy vào những thay đổi của tình hình kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của một thương hiệu.

“Đối với một nhãn hàng, khi mô hình kinh doanh của họ chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, việc đóng cửa các mặt bằng đắc địa cũng là điều có thể nhìn thấy rõ", bà Phương Quyên giải thích.

Riêng với ngành F&B, vòng đời của một thương hiệu thường không quá dài. Các nhãn hàng luôn phải chủ động cải tiến, sáng tạo để mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng thì mới có thể phát triển bền vững.

Bà Quyên cho rằng đối với một số nhãn hàng, sau khi đã đạt được mục tiêu quảng bá thương hiệu nhờ mặt bằng đắc địa, họ sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là cắt bớt chi phí thuê. Đồng thời, họ mở rộng cửa hàng ở các khu vực bán trung tâm để tiết giảm chi phí thuê mặt bằng mà vẫn giữ vững hiệu quả kinh doanh.

Nhãn hàng vẫn đang ráo riết săn lùng mặt bằng đắc địa?

Tuy nhiên, bà Quyên nhấn mạnh các nhãn hàng vẫn đang ráo riết săn lùng các mặt bằng đẹp tại vị trí đắc địa dù giá thuê cao.

"Những cuộc thương lượng thậm chí vẫn diễn ra sôi nổi. Những gì hiện hữu đang có một độ trễ so với những diễn biến bên trong thị trường bán lẻ", bà nói.

Vị này tiết lộ các giao dịch thuê do Savills thực hiện trong lúc này chưa thể ra mắt ngay với thị trường. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ nhìn thấy sự xuất hiện về mặt vật lý của các thương hiệu mới vào khoảng cuối năm nay.

Theo bà, những mặt bằng nhà phố khu vực mua sắm chính như quận 1, 3, 10 vẫn thu hút các thương hiệu, đặc biệt những căn góc trong khu vực sầm uất, mặt tiền rộng, hoạt động tách biệt với không gian riêng tư của chủ nhà.

Với các thương hiệu cao cấp trong nước, nhà phố tại những con đường có vị trí vàng nơi quy tụ nhiều nhãn hiệu quốc tế vẫn được ưu tiên tìm kiếm.

Nhìn về thị trường trong thời gian tới, vị chuyên gia từ Savills nhận xét các thương hiệu lớn vẫn đang tích cực mở rộng trước triển vọng tích cực của thị trường bán lẻ, tốc độ tăng trưởng dân số ổn định cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế. Đặc biệt, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam vẫn tăng cao, bất chấp bối cảnh lạm phát.

Dù vậy, bà Quyên vẫn khuyến nghị các doanh nghiệp cân nhắc kỹ các áp lực về chi phí để đảm bảo kế hoạch kinh doanh dài hạn.

Nguồn Zing

 

 

 

161

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT