Vì sao tội phạm biết thông tin người quen của con nợ để khủng bố?

Công ty đòi nợ thuê dùng ứng dụng quét số điện thoại qua Facebook, Zalo... của người vay tiền, tìm thông tin bạn bè, người quen của họ rồi gọi điện khủng bố gây áp lực.

Chiêu thức này được Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (Công ty Thịnh Vượng, trụ sở tại quận Tân Bình) áp dụng, theo điều tra của Công an quận Tân Bình, ngày 19/4.

Hiện, nhà chức trách đã bắt tạm giam 14 người là quản lý, lãnh đạo, nhân viên công ty này về hành vi Cưỡng đoạt tài sản; trong đó quản lý Nguyễn Minh Thành được xác định vai trò cầm đầu.

Theo điều tra, Công ty Thịnh Vượng kinh doanh chính là mua bán nợ, môi giới mua bán nợ, môi giới xử lý nợ và tài sản tồn đọng, dịch vụ xử lý nợ. Từ năm 2020 đến 2022, doanh nghiệp này ký 8 hợp đồng mua nợ với Công ty tài chính Cổ phần Điện Lực (Easy Credit). Khi có danh sách khách hàng nợ tiền quá hạn (nợ xấu), họ phân bổ cho nhân viên (caller) gọi điện, nhắn tin đòi nợ.

Trường hợp khách hàng không thanh toán, chối bỏ khoản vay thì caller sẽ liên tục gọi điện, nhắn tin đòi tiền qua tin nhắn, Zalo, đe dọa uy hiếp gia đình họ. Bước hai, caller sẽ chửi bới, có lời lẽ khủng bố, gây áp lực tinh thần, xúc phạm danh dự, uy tín của khách hàng để buộc trả tiền.

Nhiều trường hợp caller sẽ truy cập Facebook, Zalo của khách hàng để lấy hình ảnh cá nhân, sau đó dùng thủ thuật cắt ghép, chỉnh sửa mang nội dung thô tục, đính kèm những dòng bình luận xúc phạm rồi gửi cho khách hàng và bạn bè, người thân để gây áp lực phải trả nợ.

Nếu chưa đạt được mục đích, caller sẽ tăng cấp độ khủng bố đến cả người thân quen, bạn bè của khách hàng. Theo đó, nhân viên Công ty Thịnh Vượng sẽ gọi điện, nhắn tin SMS, Zalo đến các số điện thoại di động của người thân khách hàng (đã cung cấp trong hợp đồng khi vay tiền) và yêu cầu tác động đến khách hàng để thanh toán các khoản vay trễ hạn.

Ngoài ra, để mở rộng phạm vi khủng bố tinh thần, nhân viên Công ty Thịnh Vượng sẽ tìm hiểu các thông tin khác của khách hàng như nơi làm việc, học tập, bạn bè, người thân của khách hàng (qua ứng dụng quét số điện thoại Facebook, Zalo, tìm kiếm trên Google). Khi có số điện thoại, caller sẽ liên tục gọi thông báo khoản vay của khách hàng cho những người này biết, đề nghị tác động trả nợ; thậm chí đe dọa, uy hiếp để họ đánh động gây áp lực đến con nợ.

Khai với cơ quan điều tra, Nguyễn Minh Thành cho biết, nhân viên Công ty Thịnh Vượng được chia thành 4 đội, mỗi đội 7-10 người. Mỗi tháng, một nhân viên trung bình thực hiện 2.500-3.000 cuộc gọi khủng bố để đòi nợ, tổng số tiền đòi được 2-3 tỷ đồng. Cảnh sát cho rằng, với tần suất đòi nợ như trên, hàng tháng có hơn 100 người phải trả tiền nợ và lãi suất cho nhóm đòi nợ thuê này. Mỗi khi đòi nợ thành công, phía Công ty Thịnh Vượng sẽ được Easy Credit trả công lên đến 86%. Vì lợi nhuận quá lớn nên lãnh đạo công ty đòi nợ thuê đã chỉ đạo nhân viên ráo riết khủng bố nạn nhân với tần suất và mức độ dày đặc.

Công an quận Tân Bình đánh giá vụ án có tính chất đặc biệt nguy hiểm, phức tạp nên đề nghị những khách hàng vay tiền, người thân, bạn bè của khách vay tiền Easy Credit mà bị đe dọa, khủng bố, xúc phạm danh dự, uy tín để buộc trả nợ... đến trình báo, phối hợp điều tra.

Thời gian gần đây Bộ Công an và công an các tỉnh thành liên tục triệt phá các đường dây đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty tài chính. Riêng Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại TP HCM) có đến hơn 60 người bị Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố về tội Cưỡng đoạt tài sản; hơn 400 người khác bị cấm xuất cảnh do có dấu hiệu phạm tội; tiền tang vật ước tính 1.000 tỷ đồng.

Nguồn VnExpress

 

 

87

Bản quyền © 2023 thuộc về VNTRADES.COM. Giấy phép số 220/GP-BC của BVHTT